Nhu cầu nước của lúa
Đối với cây lúa từ lâu đã có câu ca dao “ Nhất nước, nhì phân”. Điều đó nói lên nhu cầu nước của cây lúa rất lớn.
- Cây lúa cần 400 – 450 đơn vị nước, để tạo được một đơn vị thân lá
- Cây lúa cần 300 – 350 đơn vị nước để tạo được một đơn vị hạt.
Do vậy, ngoài sử dụng nước trời, xây dựng được hệ thống thuỷ lợi tốt là yếu tố quan trọng hàng đầu cho các vùng trồng lúa.
Ở các vùng trồng lúa, cây lúa được cung cấp nước bằng các nguồn sau:
Lượng mưa: Yêu cầu 900 – 1100 mm cho một vụ lúa. Mùa mưa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thường bắt đầu vào tháng 5 – 6 và kết thúc vào tháng 10 – 11. Ở các tỉnh miềm Trung mùa mưa muộn hơn, thường mưa nhiều vào tháng 11-12. Lượng mưa hàng năm ở Hà Nội là 1800 mm, ở Huế 2860 mm, Thành phố Hồ Chí Minh 1980 mm, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu về nước của một vụ lúa. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có năm lượng mưa phân bố không đều, nhất là thời kỳ đầu và giữa vụ dễ gây ra hạn hán hoặc ngập lụt đối với sản xuất lúa.
Nước mưa còn mang theo và cung cấp khoảng 16 kg đạm vô cơ / ha, nguồn ôxy và làm thay đổi tiểu khí hậu trong ruộng lúa.
Nước sông, suối, ao, hồ, đầm …: Lượng nước từ các nguồn này ngoài những nơi nước có thể tự chảy vào ruộng thì phải có hệ thống thuỷ lợi (tưới tiêu) tốt để chủ động cung cấp nước cho lúa (chống hạn). Tuy nhiên khi nước thừa thì phải thoát nước cho lúa (chống úng).
Nước phù sa từ các sông, đặc biệt là sông lớn như sông Hồng ( Đồng bằng Bắc Bộ), sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long)… còn cung cấp lượng lớn chất dinh dưỡng từ nguồn nước phù sa cho cây lúa.