ĐBSCL – Từ loài bọ xít hôi gây hại lúa dẫn đến nỗi lo cho nông dân, chuyên gia cho rằng, ngành Nông nghiệp cần có chiến lược phòng trừ.
Chưa có thuốc đặc trị
Trước tình trạng bọ xít hôi tấn công trên nhiều cánh đồng lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trao đổi với Lao Động, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên – nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Tháp – cho biết, đối với cây lúa, bọ xít hôi được xếp vào nhóm thứ phát (không quan trọng) bởi vòng đời cây lúa kéo dài 3 tháng nhưng loài này chỉ tấn công khoảng 15 ngày (giai đoạn ngậm sữa). Hiểu được tính nết của loài côn trùng này, nông dân không nên quá hoang mang.
Theo đó, nhà nông nên phun thuốc vào sáng sớm, thời điểm còn sương khi cánh côn trùng ướt, tốt nhất là trước 8 giờ sáng sẽ đạt hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, nhìn từ câu chuyện loài côn trùng nhỏ gây nỗi lo cho bà con nông dân, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên nhìn nhận: “Thật tiếc là hiện nay, khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta thấy rất ít thông tin của ngành chức năng hướng dẫn cho người nông dân về phun thuốc nào, vào lúc nào và biện pháp không lưu tồn trong hạt gạo. Điều đó cho thấy lỗ hổng trong hệ thống nông nghiệp”.
Nói về nguyên nhân bọ xít hôi bùng phát và có mật số cao trên cánh đồng lúa tại khu vực ĐBSCL, ông Tuyên cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Trước hết, vì lúa có giá nên thu hoạch xong là nông dân xuống giống liền để có lúa bán tiếp. Do đó, trên đồng ruộng có đầy đủ tất cả giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tạo điều kiện cho côn trùng sinh sôi nảy nở. Kế đến, ngành Nông nghiệp không có thuốc thay thế nông dược nên khi bộc phát không có thuốc trị.
“Nói đúng hơn là thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có vũ khí tiêu diệt loài này!” – ông Tuyên trăn trở.
Cần chiến lược phòng trừ
Cũng theo nguyên Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Tháp, nhiều năm trước đây, ngành Nông nghiệp có duy trì lịch xuống giống, khuyến cáo nông dân gieo sạ theo lịch thời vụ để một số sinh vật gây hại. Vì vậy, trong bối cảnh đối với bọ xít hôi đang tấn công trên diện rộng, rất cần phát huy và thực hiện nghiêm điều này nhằm né chu kỳ sinh trưởng và nhất là cắt chuỗi thức ăn để hạn chế tối đa mật số.
Đồng thời, thạc sĩ Tuyên nhấn mạnh đến vai trò của ngành Nông nghiệp trong việc tăng cường cần hướng dẫn người nông dân phun xịt thuốc phòng trừ bọ xít hôi theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng cách) để nông dân không phải tự bơi như hiện nay. Điều này không chỉ giúp nhà nông tiết giảm nguồn chi không đáng có, mà còn góp phần đảm bảo chất lượng lúa gạo, bảo vệ môi trường sinh thái…
Hiện nay, bọ xít hôi không chỉ xuất hiện và gây hại trên lúa tại nhiều nơi thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên mà còn lan rộng đến một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh…
Điều này vô cùng nguy hại trong bối cảnh trồng lúa toàn vùng ĐBSCL diễn ra như gối vụ. Đây không chỉ là môi trường lý tưởng cung cấp thức ăn mà còn là nơi trú ngụ để bọ xít hôi nhân đàn nhanh chóng, tấn công trực diện lên vụ lúa Đông Xuân – vụ lúa được xem như nguyên liệu chính cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đáng lo hơn là đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị loại sinh vật gây hại lúa này.