Kỹ thuật trồng một số giống lúa cạn – Giống lúa cạn LC93-1

Giống lúa cạn LC93-1

– Đặc điểm giống

+ Là giống lúa cạn cải tiến năng suất cao, chất lượng tốt, hạt gạo trong, dài, tỷ lệ gạo cao, cơm dẻo.

+ Là giống thấp cây (90-110 cm), cứng cây không bị đổ ngã, kiểu hình cây gọn, lá đứng xanh bền, tạo điều kiện cho việc trồng dầy, có thể trồng với mật độ 35-40 khóm/m2. Trọng lượng 1000 hạt 24 – 26 gr, chiều dài bông 21 – 24 cm. Thời gian sinh trưởng ngắn từ 115-130 ngày ở vụ mùa vùng núi phía Bắc, 100 – 105 ngày ở các tỉnh phía Nam (ngắn ngày hơn giống địa phương từ 30 – 40 ngày).

+ Có khả năng phục hồi sau hạn khi có mưa rất nhanh. Là giống chịu thâm canh. Có khả năng thích ứng rộng với nhiều loại đất và các tiểu vùng khí hậu khác nhau, có thể trồng trên đất xấu nghèo dinh dưỡng.

+ Năng suất bình quân đạt 28 – 35 tạ/ha, đất tốt hoặc thâm canh cao có thể đạt 50 – 55 tạ/ha.

– Yêu cầu kỹ thuật

Chọn đất:

+ Đất đồi dốc < 150 có tầng canh tác đủ ẩm. Có thể trồng xen ở diện tích đất trống trong nương cà phê, tiêu, cao su hoặc vườn cây ăn quả (nhãn, xoài, mơ, mận, đào…) đang thời kỳ kiến thiết cơ bản lúc cây chưa khép tán, kín hàng.

+ Có thể gieo cấy, gieo xạ trên ruộng bậc thang, chân đất bằng 1 vụ không chủ động nước hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Làm đất:

+ Theo phương pháp đất khô, cày 2 lượt bừa 2 – 3 lượt. Nếu đất dốc không có điều kiện cày bừa cần làm sạch cỏ phơi đát và làm bờ chống xói mòn.

Thời vụ:

Căn cứ vào quy luật mưa để định lịch gieo:

+ Ở các tỉnh phía Bắc: Cần gieo sớm trong tháng 4 dương lịch để tránh sâu năn.

+ Ở các tỉnh Bắc Trung bộ có thể kéo dài thời vụ sang đến giữa tháng 5.

+ Ở các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ có thể kết thúc gieo muộn hơn tuỳ tình hình mưa nhưng không nên gieo muộn quá 15/6 để tránh gặp hạn vào thời kỳ cuối vụ.

+ Một số tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung có chế độ mưa đặc thù có thể gieo trong tháng 8 để thu hoạch tháng 12.

– Phương pháp gieo

+ Gieo hạt khô (không ngâm ủ) ngay sau khi làm đất xong lần cuối để đất còn đủ ẩm. Có thể gieo theo 3 cách:

  • Gieo hốc theo hàng với khoảng cách 23 – 25 x 10 – 12 cm mỗi hốc 2 – 3 hạt sau đó lấp đất nhẹ (để có mật độ 35 – 40 khóm/m2).
  • Gieo vãi theo hàng với khoảng cách hàng x hàng.
  • Gieo bằng máy: Là phương pháp gieo cho mật độ rất đều và tiết kiệm giống.

Chú ý: Khi gieo xong không lấp đất quá dầy để khỏi ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm.

– Lượng giống gieo

Đất tốt và có điều kiện thâm canh gieo 80 – 100 kg/ha còn đất xấu hơn có thể gieo 120 kg/ha.

– Phân bón

Lượng phân tính cho 1000 m2

  • Phân chuồng: 600 – 900 kg
  • Phân bột: 30 – 40 kg
  • Phân Uê: 15 – 18 kg
  • Phân Lân: 30 – 40 kg
  • Phân Kali: 8 – 10 kg
  • Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi, lân và 20% đạm Urê.
  • Bón thúc đợt 1: Sau khi lúa mọc 15 – 20 ngày, 30% đạm Urê và 30% đạm Kali.
  • Bón thúc đợt 2: Sau khi lúa mọc 35 – 40 ngày, 30% đạm Urê, 70% Kali.
  • Bón đòng: 20% lượng đạm Urê còn lại vào thời kỳ lúa sắp trỗ (65 – 70 ngày sau khi lúa mọc).

– Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Trừ cỏ bằng tay hoặc bằng thuốc Ally 20DF (Phun thuốc 2 tuần sau gieo). Phun lục diệp tố khi lúa bắt đầu trỗ cho lúa trỗ đều. Trừ bọ xít bằng thuốc Fastac kết hợp phun Tilt supe hoặc Anvil để trừ bệnh và làm cho quả sáng khi lúa trỗ.

Chú ý phòng trừ đạo ôn cổ bông bằng thuốc hoá học giai đoạn lúa trỗ ở những vùng núi cao có nhiệt độ thấp về đêm và có sương mù.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *